Phương tiện truyền thông tất yếu của bối cảnh internet hiện đại, GIF, đã có mặt từ lâu dù đa số mọi người không nhận biết hoặc chẳng buồn thừa nhận điều này. GIF thậm chí có trước internet và đã tồn tại trong khái niệm ban đầu của nó ở các mạng khép kín.
Tất cả chúng ta đều sử dụng các GIF hàng ngày, nhưng chúng ta thực sự biết bao nhiêu về chúng? Xét về việc chúng ta thậm chí không thể thống nhất cách phát âm thích hợp cho thuật ngữ này (chữ “g” như trong từ “gift”), sẽ hợp lý khi nói rằng ta sắp được tìm hiểu thêm rất nhiều về định dạng internet phổ biến nhất mọi thời đại.
Phát minh sơ khai của internet
Vào ngày 15 tháng 6 năm 1987, Steve Wilhite chuẩn bị tạo ra một định dạng quý báu nhất cho tất cả các cư dân internet trong tương lai. Định dạng Graphical Interchange Format, gọi tắt là GIF, là kết quả của CompuServe, công ty nơi ông Wilhite làm việc, với mong muốn có một dạng file đồ họa nhỏ, dễ gửi đi trong khi vẫn duy trì chất lượng hình ảnh.
Sử dụng giao thức Lempel-Ziv-Welch, Wilhite đảm bảo các file hình ảnh được nén mà không mất dữ liệu, giảm kích thước của chúng và giữ chất lượng ở mức ban đầu trước khi nén. Năm 1989, ông cập nhật thêm định dạng này để cho phép hình động có độ trễ và một màu trong suốt. Một cách hiệu quả, điều này có nghĩa là GIF không còn phải có dạng hình chữ nhật nữa, vì độ trong suốt cho phép sử dụng các hình dạng và đường viền khác nhau.
Đối với tất cả những sự liên quan của GIF với văn hóa đương đại, ảnh GIF không phải là vấn đề lớn trong những năm 80. CompuServe và Wilhite đã làm cho định dạng này dễ tiếp cận hơn với người dùng, bằng cách cung cấp các tiện ích chuyển đổi có thể download, nhưng phải đến khi internet ra đời vào những năm 90 cùng với sự xuất hiện của trình duyệt web Netscape 2.0 vào năm 1995, GIF mới có thể cất cánh.
Netscape 2.0 là trình duyệt đầu tiên cho phép sử dụng GIF động và cho phép chúng lặp đi lặp lại. Đây cũng là trình duyệt đầu tiên hỗ trợ JavaScript, tạo ra tác động khá lớn và thiết lập internet như chúng ta biết ngày nay.
Tiếc là, lịch sử của GIF bị hoen ố bởi các vấn đề về bằng sáng chế và những cuộc đấu tranh không thực tế để giành quyền sở hữu định dạng này. Hóa ra, một công ty tên Unlysis đã được cấp bằng sáng chế cho giao thức nén Lempel-Ziv-Welch mà GIF dựa vào. Khi ấy, đã không ai hay biết về thực tế này vì GIF đã trở thành một định dạng internet phổ biến cho toàn bộ internet. Unlysis đã cố thu phí các công ty cũng như những nhà phát triển sử dụng GIF và điều này đã dẫn đến khá nhiều sự phẫn nộ.
Điều thú vị là, đây chính là cách định dạng PNG ra đời. Một số nhà phát triển chỉ đơn giản quyết định rằng họ sẽ tạo định dạng của riêng mình để vượt qua sự kiểm soát của Unlysis đối với GIF. Định dạng PNG - ban đầu được gọi là PING, viết tắt của “Ping is not GIF” - về cơ bản giống với định dạng gây tranh cãi khi ấy, với một vài ngoại lệ.
Những người khác đã không sáng tạo như vậy trong sự phẫn nộ của họ trước các tuyên bố về bằng sáng chế, dẫn đến phong trào Burn All GIFs khét tiếng vào năm 1999. Tuy nhiên có thể nói rằng GIF đã sống sót sau cuộc thanh trừng, và vào năm 2004, Unlysis đã mất quyền đối với giao thức nén và GIF một lần nữa xuất hiện trong phạm vi công cộng.
Sự phát triển của định dạng
Nói một cách chính xác về mặt kỹ thuật, định dạng GIF đã không phát triển nhiều kể từ khi ra đời vào năm 1987. Lần cập nhật lớn cuối cùng cho định dạng này là vào năm 1989, khi độ trễ và độ trong suốt của ảnh động được đưa vào. Kể từ đó, định dạng này ít nhiều vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó trên web đã bị xóa mờ và suy yếu dần bởi những sự phát triển công nghệ khác.
Vào đầu thiên niên kỷ này, chúng ta đã có những định dạng hình ảnh mới và tốt hơn, chẳng hạn như JPEG. Cả JPEG và PNG đều sử dụng các sơ đồ nén nâng cao hơn, cho phép nhiều hơn 256 bảng màu cơ bản mà GIF có, và đó chỉ mới là một số cải tiến.
Đồng thời, Flash khi ấy đang tạo ra làn sóng cực lớn vì nó cung cấp một cách tạo video tiên tiến hơn - và với chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, Flash đã được chứng minh là ngốn khá nhiều tài nguyên, cộng với thời gian tải rất lâu. Đây hầu như không phải là cuộc cách mạng như mọi người đã mong, và internet sẵn sàng từ bỏ nó.
Cuối cùng, hai điều đã gây ra sự hồi sinh của GIF, mở đường cho giai đoạn tiếp theo và quan trọng nhất trong quá trình phát triển của định dạng này là: mạng xã hội và điện thoại thông minh. Sự xuất hiện của các mạng truyền thông xã hội như Facebook và Reddit, cùng với sự ra đời của điện thoại thông minh, đã khiến Flash trở nên lỗi thời và cung cấp cho GIF một con đường để trở nên phù hợp với văn hóa một lần nữa. YouTube, Google, Tumblr và Wikipedia đều có tiếng nói trong vấn đề này. Không một gã khổng lồ công nghệ nào muốn liên quan đến Flash chậm chạp. GIF đã trở lại và sẵn sàng trở thành trụ cột của văn hóa internet một lần nữa.
Gửi GIF cho tôi
GIF có tất cả những gì mà giao tiếp bằng nội dung chữ đơn giản không có. Vào thời điểm đó, nội dung chữ đã được chuyển thành "lols" và "rofls." Đây không còn là một cuộc trò chuyện đáng có nữa. GIF đã thay đổi tất cả những điều đó bằng cách cho phép người dùng giao tiếp không chỉ bằng những cách viết tắt thái quá và không mang tính cá nhân.
Việc gửi GIF cho ai đó là một cách hoàn hảo để cá nhân hóa phản hồi của chúng ta và điều này được làm phong phú thêm bằng nội dung ngầm mà GIF có thể chuyển tải hiệu quả. Hơn nữa, GIF cực kỳ dễ tạo và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội, khiến chúng trở thành công cụ giao tiếp tốt nhất sẵn có cho công chúng trực tuyến.
Sau khi Tumblr ra mắt vào năm 2007, GIF cũng trở thành một công cụ biểu đạt nghệ thuật hiệu quả. Kể từ khi Tumblr cho phép sử dụng các gói lên đến 10 GIF cùng nhau (gọi là GIF set), chúng đã trở thành một thiết bị kể chuyện đáng ngạc nhiên, có khả năng truyền tải những thông điệp và câu chuyện vô cùng phức tạp. GIF đã trở thành một phương tiện sáng tạo hoàn hảo cho những người cảm thấy rằng đây là phương tiện nghệ thuật mà họ đang tìm kiếm.
Tuy nhiên, người dùng Tumblr không phải là những người duy nhất chuyển sang GIF vì mục đích nghệ thuật. Olia Lialina đã biểu đạt mình bằng ảnh GIF từ năm 1997, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có chiều sâu và tương tác chẳng hạn như “War” và “Midnight.”
Những cái tên khác, như Chuck Poynter và Roger Von Biersborn, cũng được khen ngợi về khả năng biểu đạt nghệ thuật bằng cách sử dụng GIF và không gì hơn thế.
Trong suốt những năm qua, công dụng chính của GIF vẫn là khả năng phản ứng với thông điệp và nội dung của những người khác. Bất kỳ GIF nào cũng có thể là GIF phản ứng khi được đặt trong ngữ cảnh phù hợp. Giống như meme, GIF có khả năng kỳ lạ làm thay đổi ý nghĩa và thích ứng với các ngữ cảnh khác nhau, khiến chúng trở thành một công cụ xã hội không thể thay thế.
Thành phần thiết yếu của tiếp thị ngày nay
Ngày nay, các thương hiệu đang phải đấu tranh để thu hút sự chú ý của khán giả, những người mà tâm trí thường xuyên bị tấn công bởi quảng cáo. Hầu hết mọi người đã phát triển các cơ chế đối phó giúp họ bỏ qua quảng cáo và banner khi đang tìm kiếm trên internet. Quảng cáo tĩnh và hình ảnh không còn hiệu quả nữa, khi có một phương pháp mới và hay hơn để tiếp cận người mua.
Hóa ra, GIF là một trong những công cụ hiệu quả nhất đối với bất kỳ nhà tiếp thị nào. Chúng là trung gian hoàn hảo giữa hình ảnh và video, truyền tải nhiều thông tin hơn so với hình ảnh, sử dụng cùng một khoảng không gian trong khi thời lượng ngắn hơn và súc tích hơn nhiều so với video.
Không chỉ vậy, hình động đã được chứng minh là thu hút và duy trì sự chú ý của người dùng hiệu quả hơn nhiều so với hình tĩnh.
Đây là cách The North Face quảng cáo thiết bị thể thao ngoài trời bằng GIF.
Tuy nhiên, họ không phải là thương hiệu lớn duy nhất sử dụng GIF. Nike cũng nhanh chóng nhận ra sự phù hợp với văn hóa và hiệu quả quảng cáo của định dạng này.
Sự thật của vấn đề là GIF đang tạo ra một cuộc cách mạng trong quảng cáo kỹ thuật số. Chúng đang thúc đẩy nhiều chuyển đổi hơn đa số các định dạng quảng cáo khác và hiện đang ổn định. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta đưa chúng vào vận dụng.
Tóm lại
Lịch sử của GIF ít nhiều cũng là lịch sử của internet. Chúng đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của mọi phần công nghệ mà chúng ta liên kết với web và tồn tại lâu hơn một số công nghệ trong đó, chẳng hạn như Flash. GIF không chỉ trở thành trung tâm trong văn hóa của chúng ta mà còn trở thành khía cạnh quan trọng của tiếp thị kỹ thuật số. Quá trình phát triển của GIF khá ấn tượng và rất có thể vẫn đang tiếp diễn, vì vậy hãy chú ý theo dõi để biết những cách sử dụng GIF hay hơn nữa. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta hãy thêm GIF vào các chiến dịch quảng cáo để làm cho chúng thú vị, năng động hơn và khán giả chắc chắn sẽ đón nhận.