Trong thế giới phân tích kỹ thuật số năng động, khi phải rời xa những điều quen thuộc, chúng ta thường dễ gặp phải nhiều sự nhầm lẫn và thắc mắc. Đây là trường hợp của quá trình phát triển Google Analytics 3 (GA3) thành Google Analytics 4 (GA4). Khi các doanh nghiệp và chủ sở hữu trang web đột ngột chuyển sang GA4, họ nhận thấy rằng các chỉ số mà họ từng dựa vào đã trải qua những thay đổi đáng kể. Những biến động về dữ liệu và hiệu suất đã đặt ra các câu hỏi: Lưu lượng truy cập trang web của chúng ta có thực sự giảm không? Nguyên nhân cơ bản có thể là gì?

Tuy nhiên, sự thật đằng sau những thay đổi rõ ràng này mang nhiều ý nghĩa hơn so với những gì ta thoáng thấy.

Bản chất của những thay đổi này có liên quan đến sự chuyển đổi cơ bản về các mô hình dữ liệu giữa GA3 xưa cũ và GA4 mang tính cách mạng. Trong khi GA3 hoạt động dựa trên các phiên và số lượt xem trang thì GA4 áp dụng mô thức mới dựa trên các sự kiện và thông số. Sự khác biệt cơ bản này về phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu dẫn đến những điểm khác biệt trong cách hai nền tảng phân tích thu thập và trình bày thông tin. Ngoài giao diện người dùng được sửa đổi, GA4 còn đưa ra các chỉ số, báo cáo và tính năng mới, đồng thời lược bỏ hoặc thay đổi một số khía cạnh quen thuộc của phiên bản trước đó.

Cùng khám phá những điểm khác biệt chính để có thể thích ứng thành công với GA4.

Google Analytics 4 là gì?

Google Analytics 4 là phiên bản mới nhất của nền tảng phân tích web của Google, được thiết kế để cung cấp một phương pháp toàn diện hơn và tập trung vào người dùng hơn để theo dõi và phân tích dữ liệu website. Phiên bản này đại diện cho sự đổi hướng đáng kể so với phiên bản trước đó là Universal Analytics (UA) — còn gọi là Google Analytics 3. GA4 mang đến một mô hình dữ liệu mới và các tính năng nâng cao nhằm thích ứng với thế giới kỹ thuật số không ngừng phát triển.

Như chúng tôi đã nói, một trong những thay đổi đáng chú ý nhất ở GA4 chính là việc chuyển từ mô hình dựa trên phiên sang mô hình dựa trên sự kiện. Điều này có nghĩa là GA4 tập trung vào việc theo dõi các tương tác (sự kiện) của người dùng cá nhân trên một webite hoặc ứng dụng, cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về hành vi và tương tác của người dùng. Cách tiếp cận mới này giúp các công ty hiểu sâu hơn về trải nghiệm của người dùng, hành trình của khách hàng và hành vi đa nền tảng.

GA4 cũng đặc biệt chú trọng quyền riêng tư và sự đồng ý của người dùng. Phiên bản này được thiết kế để tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu như GDPR và CCPA, cho phép các doanh nghiệp thu thập và sử dụng dữ liệu theo cách ý thức về quyền riêng tư. Ngoài ra, GA4 cũng tích hợp công nghệ học máy và phân tích dự đoán để cung cấp thông tin chuyên sâu và đề xuất khả thi, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt nhằm cải thiện sự hiện diện trực tuyến và trải nghiệm người dùng.

Khả năng báo cáo nâng cao và phân tích dữ liệu theo thời gian thực của nền tảng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những tương tác của người dùng, theo dõi việc chuyển đổi và tối ưu hóa chiến lược trực tuyến.

Báo cáo GA3 vs GA4: So sánh các chỉ số

Vậy, nếu đang đọc bài viết này thì có thể quý vị đã trải qua một số biến động nhất định về chỉ số sau khi chuyển sang GA4. Vì vậy, hãy xem xét các số liệu gây nhiều thắc mắc nhất: phiên, thời lượng phiên trung bình, tỷ lệ thoátchuyển đổi.

Phiên

Ở cả GA3 lẫn GA4, phiên biểu thị cho một khoảng thời gian tương tác mà người dùng thực hiện với website hoặc ứng dụng. Tuy nhiên, các phiên quả thực được tính toán theo cách khác nhau trong GA4 và GA3, và sự khác biệt này có thể dẫn đến ít phiên được tính trong GA4 hơn so với phiên bản trước.

GA3 (Universal Analytics) GA4 (Google Analytics 4)
Các phiên dựa trên thời gian. Theo mặc định, một phiên kết thúc sau 30 phút không hoạt động - có nghĩa là nếu người dùng không tương tác với website trong hơn 30 phút thì phiên hiện tại của họ kết thúc, và phiên mới sẽ bắt đầu sau khi người dùng thực hiện một hành động. Các phiên hiện nay tập trung vào sự kiện hơn và lấy người dùng làm trung tâm nhiều hơn. Một phiên bắt đầu khi người dùng tương tác với trang hoặc ứng dụng, chẳng hạn như click vào trang, kích hoạt một sự kiện hoặc thực hiện một hành động. Phiên có thể kéo dài lâu hơn nếu người dùng vẫn hoạt động.

Vậy, các yếu tố chính góp phần làm giảm lượt đếm phiên trong GA4 so với GA3 bao gồm:

  1. Cách theo dõi lấy người dùng làm trung tâm: GA4 theo dõi sự gắn kết và tương tác của người dùng theo cách chi tiết hơn, bởi đó thể hiện chính xác hơn việc người dùng thực sự tương tác với nội dung như thế nào.
  2. Không có ngưỡng thời gian: Không giống như ngưỡng không hoạt động trong 30 phút của GA3, GA4 không có thời lượng phiên cố định. Thay vào đó, GA4 nắm bắt tất cả các sự kiện và tương tác của người dùng trong một khung thời gian nhất định.
  3. Không đếm phiên trực tiếp: Trong GA4, ta sẽ không thấy chỉ số phiên trực tiếp. Thay vào đó, ta sẽ thấy các sự kiện và số liệu về việc gắn kết giúp hiểu rõ hơn về hành vi của người dùng.
  4. Theo dõi dựa trên sự kiện: GA4 theo dõi sự kiện theo cách toàn diện hơn, giúp ta hiểu hành động của người dùng ngoài số lượt xem trang truyền thống.
  5. Theo dõi trên nhiều nền tảng: GA4 được thiết kế để hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm website và ứng dụng, và điều này có thể dẫn đến các khuôn mẫu tương tác khác nhau của người dùng.

Không giống như GA3 với timeout mặc định của phiên được đặt là 30 phút nhưng có thể kéo dài đến tối đa 4 tiếng, GA4 có timeout của phiên có thể điều chỉnh, cho phép kéo dài lên tối đa 7 tiếng 55 phút. Điều này tác động đến cách theo dõi phiên của người dùng. Ví dụ như trong GA3, nếu ai đó rời khỏi trang web trong 5 tiếng thì sẽ được tính là hai phiên riêng biệt do timeout của phiên tối đa là 4 tiếng. Trong GA4, với timeout của phiên kéo dài, chúng sẽ được tính là một phiên liên tục, bởi đó thể hiện mức độ gắn kết của người dùng chính xác hơn.

Thông tin quan trọng: Trong Google Analytics 3, các phiên được đặt lại vào lúc nửa đêm, tạo ra nhiều phiên nếu hoạt động kéo dài trong thời gian này. Trong Google Analytics 4, việc đặt lại phiên sẽ tùy vào cài đặt múi giờ, cho phép theo dõi chính xác hơn các phiên hoạt động liên tục của người dùng, đặc biệt là trên những múi giờ khác nhau.

Thời lượng phiên trung bình

Sự khác biệt trong cách tính thời lượng phiên trung bình trong GA4 so với GA3 phản ánh sự chuyển đổi trong triết lý theo dõi từ phiên sang những tương tác của người dùng.

GA3 (Universal Analytics) GA4 (Google Analytics 4)
Thời lượng trung bình của phiên người dùng được tính bằng giây, bất kể trang web ở nền trước hay nền sau (không bao gồm thời gian đã dành cho trang web được truy cập cuối). Thời lượng trung bình của các phiên gắn kết được tính bằng giây và được đo từ khi bắt đầu phiên đầu tiên cho đến khi unload.

Trong GA3, thời lượng phiên trung bình được tính bằng cách chia tổng thời lượng của tất cả các phiên cho tổng số phiên. Cách tính này đo thời gian trung bình mà người dùng dành cho website trong các phiên của họ. Tuy nhiên, vì GA3 sử dụng thời lượng phiên cố định (30 phút không hoạt động hoặc cuối ngày) nên các phiên có thể bị rút ngắn theo cách nhân tạo nếu người dùng rời đi và một lúc sau thì quay lại. Nếu không được hiểu đúng, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu chính xác ở các chỉ số đối với thời lượng phiên trung bình.

Trong GA4, chỉ số này được tính như thời lượng trung bình của các phiên gắn kết tính bằng giây, được đo từ khi bắt đầu phiên đầu tiên cho đến khi người dùng rời đi. Đây là số liệu đo chính xác hơn vì theo dõi trực tiếp thời gian người dùng tích cực sử dụng website hoặc ứng dụng từ thời điểm họ bắt đầu phiên cho đến thời điểm họ rời đi hoặc đóng trang.

Điều quan trọng là cần lưu ý rằng trong GA4, định nghĩa về các phiên gắn kết cụ thể hơn và gắn liền với các tiêu chí nhất định. Phiên gắn kết trong GA4 là phiên mà:

  1. Người dùng có từ 2 lượt xem trang trở lên.
  2. Người dùng đã hoàn thành một sự kiện chuyển đổi.
  3. Người dùng đã đạt đến ngưỡng thời gian nhất định (ví dụ như 10 đến 60 giây) mà ta đặt ra.

Thông tin quan trọng: Hầu hết các báo cáo trong GA4 theo mặc định không bao gồm chỉ số thời lượng phiên trung bình (Average Session Duration). Thay vào đó, ta sẽ thấy thời gian gắn kết trung bình (Average Engagement Time) - khoảng thời gian trung bình mà ứng dụng ở nền trước, hoặc website được tập trung trong trình duyệt. Ta có thể thêm chỉ số thời lượng phiên trung bình vào báo cáo của mình bằng cách làm theo những hướng dẫn này.

Tỷ lệ thoát

Trong cả GA3 lẫn GA4, việc triển khai tính năng theo dõi sự kiện và các sự kiện tương tác khác có thể ảnh hưởng đến việc tính toán và diễn giải tỷ lệ thoát.

GA3 (Universal Analytics) GA4 (Google Analytics 4)
Tỷ lệ thoát được tính bằng phần trăm số phiên trang đơn (phiên với chỉ một tương tác) trong số tất cả các phiên. Tỷ lệ thoát được tính bằng phần trăm số phiên không gắn kết.

Trong GA3, nếu ta đã triển khai nhiều sự kiện theo dõi thì có thể những người dùng tương tác với sự kiện nhưng không tương tác với các trang thêm có thể được phân loại là phiên có gắn kết thay vì phân loại là phiên thoát. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ thoát thấp hơn. Mặt khác, các website theo dõi ít hoặc không theo dõi sự kiện có thể có tỷ lệ thoát cao hơn vì bất kỳ phiên một trang nào (ngay cả những phiên có tương tác sự kiện) đều sẽ được tính là bị thoát.

Trong GA4, tỷ lệ thoát được tính dựa trên sự hiện hữu của các sự kiện gắn kết – là những sự kiện cụ thể mà ta xác định là những lượt tương tác có giá trị. Những sự kiện này có thể được tính là sự chuyển đổi. Nếu một sự kiện gắn kết được tính là một lượt chuyển đổi thì phiên mà sự kiện đó xảy ra sẽ không được coi là phiên thoát, ngay cả khi đó là phiên một sự kiện.

Như vậy, không như trong GA3, việc thêm tính năng theo dõi sự kiện trong GA4 không ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ thoát, trừ khi những sự kiện đó được tính là sự kiện chuyển đổi.

Lưu ý quan trọng: Hầu hết các báo cáo trong GA4 theo mặc định đều không bao gồm các chỉ số tỷ lệ gắn kết (Engagement Rate) và tỷ lệ thoát (Bounce Rate). Để xem các số liệu này trong báo cáo của mình, ta cần tùy chỉnh báo cáo. Xin đọc tại đây để xem hướng dẫn chi tiết về cách tùy chỉnh báo cáo.

Chuyển đổi

Trong cả GA3 lẫn GA4, sự chuyển đổi đề cập đến những hành động hoặc sự kiện cụ thể mà ta cho là có giá trị trên website hoặc ứng dụng. Tuy nhiên, có một số điểm khác biệt trong cách theo dõi và xác định sự chuyển đổi.

GA3 (Universal Analytics) GA4 (Google Analytics 4)
Sự chuyển đổi thường được theo dõi trong bối cảnh của phiên và có thể được loại bỏ trùng lặp trong cùng một phiên. Mỗi trường hợp của một sự kiện chuyển đổi được coi là một chuyển đổi riêng biệt, bất kể bối cảnh phiên.

Trong GA3, sự chuyển đổi thường được theo dõi trong bối cảnh phiên. Nếu người dùng thực hiện sự chuyển đổi nhiều lần trong cùng một phiên (ví dụ như gửi biểu mẫu), thì GA3 thường loại bỏ các chuyển đổi trùng lặp ấy trong phiên đó. Điều này nghĩa là nếu người dùng điền biểu mẫu nhiều lần trong một phiên thì GA3 sẽ tính đây là một lần hoàn thành mục tiêu.

Trong GA4, mỗi sự kiện, bao gồm sự chuyển đổi, được coi là một hành động riêng biệt. Như thế, các chuyển đổi không bị trùng lặp trong cùng một phiên. Nếu người dùng hoàn thành một sự kiện chuyển đổi nhiều lần thì mỗi lượt thực hiện sự kiện đó sẽ được tính là một lượt chuyển đổi riêng biệt. Kết quả là, nếu người dùng điền biểu mẫu nhiều lần vào những dịp khác nhau, thì mỗi lần điền biểu mẫu sẽ được tính là một lượt chuyển đổi riêng biệt trong GA4.

Bởi sự khác biệt này, GA4 có xu hướng báo cáo số lượt chuyển đổi cao hơn so với GA3 ngay cả khi không thực hiện bất kỳ thay đổi nào về việc tối ưu hóa website. Do đó, việc chuyển sang GA4 là cơ hội tốt để xem lại và xác thực độ chính xác của các sự kiện chuyển đổi, đặc biệt là nếu chúng bao gồm các biểu mẫu hoặc hành động khác mà người dùng có thể lặp lại trong một phiên.

GA3 vs GA4: Quyền riêng tư về dữ liệu

GA4 chú trọng hơn về quyền riêng tư của người dùng theo mặc định. GA4 được thiết kế có ý thức hơn về quyền riêng tư, phù hợp với các quy định đang phát triển về bảo vệ dữ liệu. GA4 khuyến khích các doanh nghiệp chỉ thu thập dữ liệu cần thiết và cung cấp các tùy chọn rõ ràng để người dùng quản lý các lựa chọn ưu tiên.

Sau đây là phân tích về cách GA4 tăng cường quyền riêng tư của người dùng:

  1. Sử dụng cookie bên thứ nhất: Cả GA4 lẫn UA đều dùng cookie bên thứ nhất được đặt bởi trang web mà người dùng đang truy cập. Những cookie này không được dùng để nhận dạng hoặc theo dõi các cá nhân mà thay vào đó tập trung thu thập dữ liệu tổng hợp về hiệu suất website. Cách tiếp cận này thân thiện với quyền riêng tư hơn vì không dựa vào cookie bên thứ ba – là loại có thể bị người dùng chặn hoặc bị ảnh hưởng bởi trình chặn quảng cáo.
  2. Giảm phụ thuộc vào địa chỉ IP: UA đã thu thập và lưu trữ địa chỉ IP như một phần của quy trình theo dõi. Ngược lại, GA4 giảm thiểu việc sử dụng địa chỉ IP để nhận dạng và theo dõi người dùng, giảm bớt những quan ngại về quyền riêng tư liên quan đến việc thu thập địa chỉ IP.
  3. Theo dõi được hỗ trợ bởi AI: GA4 tích hợp công nghệ học máy và AI để giúp lấp những khoảng hở trong dữ liệu và xác định các xu hướng hay kiểu mẫu trong hành vi của người dùng. Điều này cho phép có thông tin chuyên sâu chính xác hơn mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của từng người dùng.
  4. Việc quản lý sự đồng ý được nâng cao: GA4 cung cấp các công cụ để triển khai và quản lý sự đồng ý của người dùng nhằm thu thập và theo dõi dữ liệu. Tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và tôn trọng sở thích của người dùng là điều rất quan trọng.
  5. Lưu giữ dữ liệu có thể tùy chỉnh: GA4 cung cấp sự linh hoạt trong các cài đặt lưu giữ dữ liệu, cho phép người dùng xác định quy tắc xóa dữ liệu của riêng họ dựa trên những sự kiện hoặc khung thời gian cụ thể. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể quản lý việc lưu giữ dữ liệu theo cách phù hợp với các biện pháp về quyền riêng tư và yêu cầu pháp lý.

Google Analytics 4 có tốt hơn Universal Analytics không?

Chúng ta thường khó chấp nhận sự thay đổi. Hiện tại, có thể ta nghĩ rằng chuyển sang GA4 không phải là lựa chọn tốt nhất, và đây không phải là suy nghĩ của riêng cá nhân nào. Giao diện này thực sự đã trải qua những thay đổi rõ ràng và ta sẽ phải học lại rất nhiều điều. Tuy nhiên, khi trở nên quen thuộc hơn với các cập nhật, ta sẽ nhận ra rằng tất cả những thay đổi đều có lợi.

Cùng tóm tắt lại tất cả những ưu điểm của GA4 mà chúng ta đã nói đến:

  1. Theo dõi lấy người dùng làm trung tâm: GA4 tập trung vào hành vi và tương tác của người dùng trên các thiết bị và nền tảng, cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về hành trình của người dùng.
  2. Mô hình theo hướng sự kiện: Cung cấp phương pháp theo dõi linh hoạt theo hướng sự kiện, cho phép theo dõi nhiều hành động của người dùng ngoài việc xem trang truyền thống.
  3. Quyền riêng tư của người dùng được nâng cao: GA4 sử dụng cookie bên thứ nhất, nhấn mạnh sự đồng ý của người dùng và cung cấp các biện pháp kiểm soát việc lưu giữ dữ liệu, phù hợp với các tiêu chuẩn hiện đại về quyền riêng tư.
  4. Thông tin chuyên sâu được hỗ trợ bởi AI: Thúc đẩy công nghệ học máy và AI để cung cấp thông tin chuyên sâu tự động, giúp doanh nghiệp xác định các xu hướng và cơ hội dễ dàng hơn.
  5. Theo dõi trên nhiều nền tảng: GA4 vượt trội trong việc theo dõi hoạt động tương tác của người dùng trên các website, ứng dụng và thiết bị, mang đến cái nhìn toàn diện về sự gắn kết của người dùng.

Dù thế nào, việc chuyển đổi sang GA4 là một quá trình diễn ra dần dần và có thể mất thời gian, tùy thuộc vào độ phức tạp của quá trình thiết lập số liệu phân tích. Ta cần lên kế hoạch, thử nghiệm và liên tục tối ưu hóa cấu hình GA4 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh doanh của mình.

Bảng so sánh GA3 và GA4

Tính năng GA3 GA4
Mô hình theo dõi Theo dõi tập trung vào số lượt xem trang Theo dõi theo hướng sự kiện
Danh tính người dùng Dựa vào cookie và địa chỉ IP Giảm phụ thuộc vào địa chỉ IP
Tập trung vào quyền riêng tư Ít chú trọng đến quyền riêng tư của người dùng Chú trọng quyền riêng tư của người dùng
Lưu giữ dữ liệu Lên đến 26 tháng theo mặc định Lên đến 14 tháng theo mặc định
Tính năng đa nền tảng Theo dõi đa nền tảng hạn chế Theo dõi đa nền tảng được tăng cường
Thời lượng phiên Thời lượng phiên cố định (có thể định cấu hình) Có thể điều chỉnh timeout của phiên (lên đến 7h 55 phút)
Tích hợp Tích hợp với các sản phẩm của Google Tích hợp với Google BigQuery
Báo cáo tùy chỉnh Tùy chỉnh báo cáo hạn chế Tùy chọn báo cáo tùy chỉnh mở rộng hơn

Nếu vẫn còn thắc mắc, quý vị luôn có thể tham khảo Google Support.

Câu hỏi thường gặp

Điểm khác biệt chính giữa GA3 và GA4 là gì?

Điểm khác biệt chính giữa Google Analytics 3 và Google Analytics 4 là mô hình theo dõi. GA3 dựa vào phương pháp lấy lượt xem trang làm trung tâm, trong khi GA4 sử dụng mô hình lấy người dùng làm trung tâm, theo hướng sự kiện. Sự chuyển đổi trong cách theo dõi này cho phép GA4 cung cấp thông tin chuyên sâu chi tiết hơn về hành vi và mức độ gắn kết của người dùng, giúp GA4 dễ thích ứng hơn với nhu cầu phân tích kỹ thuật số hiện đại.

Có thể dùng đồng thời GA3 và GA4 không?

Không. Từ ngày 1 tháng 7 năm 2023, GA3, còn gọi là Universal Analytics, sẽ không còn thu thập dữ liệu mới nữa. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển sang Google Analytics 4 hoặc một nền tảng phân tích hiện đại khác để tiếp tục theo dõi và phân tích dữ liệu website hoặc ứng dụng một cách hiệu quả.

Định nghĩa phiên trong GA3 và GA4 khác nhau thế nào?

GA3 chủ yếu dựa vào định nghĩa phiên theo thời gian. Theo mặc định, một phiên kết thúc sau 30 phút không hoạt động và được đặt lại vào lúc nửa đêm. GA4 sử dụng định nghĩa phiên theo hướng sự kiện. Một phiên bắt đầu khi người dùng tương tác với website hoặc ứng dụng và có thể kéo dài miễn là người dùng vẫn hoạt động. Không có việc thiết lập lại lúc nửa đêm tự động và ta có thể tùy chỉnh timeout của phiên. Phương pháp này cung cấp cái nhìn lấy người dùng làm trung tâm và linh hoạt hơn về thời lượng phiên.

Những tính năng chính nào có trong GA4 mà không có trong GA3?

Những tính năng chính có trong Google Analytics 4 (GA4) mà không có trong Google Analytics 3 (GA3) bao gồm:

  1. Theo dõi theo hướng sự kiện: Mô hình theo hướng sự kiện của GA4 cung cấp tính năng theo dõi sự kiện toàn diện hơn, giúp doanh nghiệp đo mức độ gắn kết của người dùng ở phạm vi rộng hơn.
  2. Phương pháp lấy người dùng làm trung tâm: GA4 tập trung vào hành vi của người dùng cá nhân, cung cấp cái nhìn chi tiết hơn về hành trình và sự gắn kết của người dùng.
  3. Chuyển đổi linh hoạt: GA4 mang đến sự linh hoạt hơn trong việc xác định chuyển đổi, bao gồm phạm vi hành động của người dùng rộng hơn.
  4. Theo dõi thương mại điện tử được tăng cường: GA4 cung cấp tính năng theo dõi thương mại điện tử được cải tiến với thông tin chuyên sâu chi tiết hơn về doanh số bán hàng online và hiệu suất sản phẩm.
  5. Chỉ số và dimension tùy chỉnh: GA4 cho phép người dùng tạo chỉ số và dimension tùy chỉnh, mang đến sự linh hoạt cao hơn trong quá trình phân tích dữ liệu.
  6. Theo dõi trên nhiều nền tảng: GA4 vượt trội trong việc theo dõi tương tác của người dùng trên các website, ứng dụng và thiết bị, mang đến cái nhìn toàn diện về sự gắn kết của người dùng.
  7. Quyền riêng tư của người dùng được cải thiện: GA4 tự hào có các tính năng quyền riêng tư của người dùng được nâng cao và giảm phụ thuộc vào địa chỉ IP.
  8. Không tự động đặt lại vào lúc nửa đêm: Không như GA3, GA4 không tự động đặt lại các phiên vào lúc nửa đêm, mang đến tính năng theo dõi thời lượng phiên chính xác hơn.

Tôi có thể chuyển dữ liệu cũ từ GA3 sang GA4 không?

Không, không thể di chuyển trực tiếp dữ liệu cũ từ Google Analytics 3 sang Google Analytics 4. Hai nền tảng phân tích này hoạt động độc lập, và dữ liệu cũ được thu thập trong GA3 sẽ không tự động chuyển sang GA4. Để hoạt động với dữ liệu cũ trong GA4, ta sẽ cần dựa vào quá trình xuất dữ liệu và chuyển dữ liệu thủ công, nhưng đây sẽ không phải là quá trình chuyển dữ liệu cũ một cách liền mạch. Hiện tại, ta chỉ có thể chuyển cài đặt cho người dùng, sự kiện, mục tiêu, chuyển đổi và đối tượng khán giả.

Có bất kỳ thay đổi nào về cách theo dõi sự chuyển đổi trong GA4 không?

Có, có những thay đổi về cách theo dõi sự chuyển đổi trong Google Analytics 4:

  1. Chuyển đổi toàn diện hơn: GA4 cung cấp định nghĩa rộng hơn về chuyển đổi, cho phép theo dõi nhiều hành động của người dùng dưới dạng chuyển đổi có giá trị.
  2. Tính linh hoạt được tăng cường: Linh hoạt hơn trong việc xác định những gì cấu thành một lượt chuyển đổi, giúp dễ đo lường các tương tác cụ thể của người dùng quan trọng đối với doanh nghiệp.
  3. Chuyển đổi theo hướng sự kiện: Sự chuyển đổi trong GA4 gắn chặt với các sự kiện của người dùng, phù hợp với mô hình theo dõi theo sự kiện của GA4.
  4. Lộ trình chuyển đổi chi tiết: GA4 cung cấp báo cáo "Lộ trình chuyển đổi" (Path to Conversion), cung cấp thông tin chuyên sâu về trình tự tương tác của người dùng dẫn đến việc chuyển đổi, giúp ta hiểu hành trình của người dùng theo cách toàn diện hơn.

Kết luận

Sự phát triển của Google Analytics từ phiên bản trước là GA3 đến phiên bản mới nhất là GA4 thể hiện một bước nhảy vọt đáng kể trong thế giới phân tích trang web. Việc chuyển đổi này đánh dấu sự phản hồi với bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển, trong đó quyền riêng tư của người dùng, theo dõi đa nền tảng và phương pháp phân tích dữ liệu theo hướng sự kiện nhiều hơn đã trở nên tối quan trọng.

Mặc dù việc chuyển đổi từ GA3 sang GA4 có thể gặp phải một số thử thách nhất định nhưng tiềm năng thu được những thông tin chuyên sâu hơn, sự tuân thủ quyền riêng tư được cải thiện và phương pháp lấy người dùng làm trung tâm để phân tích dữ liệu khiến sự chuyển đổi này trở thành một khoản đầu tư đáng giá trong tương lai của hoạt động phân tích web. Bằng cách sử dụng GA4, các doanh nghiệp có thể đi đầu trong việc tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của đối tượng khán giả trong lĩnh vực kỹ thuật số.